02/11/2020
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, còn có tên gọi khác là lễ hội Nghinh ông hay lễ Tế Cửa Nam Hải, là một lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của cộng đồng cư dân người Kinh sinh sống bằng nghề hạ bạc trên vùng đất ven biển Trà Vinh.
Hình ảnh trong lễ hội cúng biển Mỹ Long
Cúng biển Mỹ Long là một hoạt động văn hóa truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ Cá voi được người dân thị trấn Mỹ Long bảo tồn và thực hiện liên tục trong gần một thế kỷ đã qua. Qua từng năm, lễ hội này được tiến hành một cách trọng thể, quy củ hơn, thu hút đông đảo hơn người dân trong, ngoài tỉnh và là dịp để những người con của quê hương đang định cư, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài tìm về cội nguồn, thăm lại quê cha đất tổ.
Năm 2013 Lễ hội Cúng biển Mỹ Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3820/QĐ/BVHTTDL, đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội Cúng biển diễn ra vào hai ngày 11 và 12 tháng Năm âm lịch hàng năm tại ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ, mở rộng ra khắp địa bàn thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, cách thành phố Trà Vinh 30 km, về hướng đông. Cúng biển từ lâu đã trở thành ngày hội lớn không chỉ của ngư dân Mỹ Long, người dân trong tỉnh Trà Vinh mà còn thu hút đông đảo khách thập phương từ các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng… về tham dự.
Thị trấn Mỹ Long, còn có tên gọi dân gian là Bến Đáy, vốn là ngôi làng nhỏ ven cửa biển Cung Hầu, được lập khoảng thế kỷ XVI – XVII bởi các thế hệ ngư dân gốc gác từ các tỉnh ven biển Nam Trung bộ di cư vào. Cũng như nhiều làng chài khắp Nam bộ, khi ngư dân miền Trung di cư vào luôn mang theo hành trang văn hóa bản địa, trong đó có tín ngưỡng thờ Cá voi. Đối với người đi biển, Cá voi là vị phúc thần hóa thân từ chiếc áo cà sa của đức Phật, được đức Phật giao sứ mạng tuần tra và sẵn sàng ra tay cứu giúp khi có tàu thuyền không may lâm nạn giữa gió to sóng dữ. Tương truyền, khi chúa Nguyễn Ánh bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi đến bờ nam cửa biển Cung Hầu thì Cá voi nổi lên, đưa ngài cùng đám tàn quân vượt sóng sang bờ cù lao Cổ Chiên an toàn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban sắc phong cho Cá voi là Quốc gia Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần hay còn gọi là Nam Hải Đại tướng quân, được ngư dân các làng ven biển tôn thờ. Khi đức Ông lỵ (tức Cá voi chết) và dạt vào bờ, ngư dân sở tại có nhiệm vụ phải tổ chức tang lễ, sau đó dựng lăng đưa di cốt vào thờ. Ngày giỗ đức Ông trở thành ngày hội của làng.
Tuy nhiên, do cửa biển Cung Hầu tại thị trấn Mỹ Long là bãi bồi phù sa nên trong lịch sử, chưa từng được đức Ông lỵ nên không có lăng Ông và cũng chẳng có ngày giỗ Ông để làng chài mở hội. Với niềm tin sẵn có, mỗi năm cứ đến lệ tháng Năm âm lịch là cả làng nghề đáy biển Mỹ Long giong thuyền sang cù lao Cổ Chiên, bên kia cửa biển Cung Hầu, bày tỏ lòng thành tế tự cùng người dân địa phương. Cửa biển rộng nhiều gió to sóng dữ, cộng thêm chiến tranh loạn lạc, việc đi lại khó khăn nguy hiểm nên dần dần ngư dân Mỹ Long cung thỉnh linh vị đức Ông về phối tự tại ngôi miễu Bà Chúa Xứ vừa xây dựng giữa làng chày Bến Đáy. Từ cuối thập niên 1920, lễ hội Cúng biển hay lễ hội Nghinh ông Mỹ Long chính thức được tiến hành long trọng và duy trì cho đến ngày nay.
Do được phối tự tại ngôi miếu Bà Chúa Xứ nên lễ hội Cúng biển Mỹ Long bao gồm một chuỗi các nghi thức vừa là lễ hội Nghinh ông vừa là lễ hội Vía bà. Đây chính là nét đặc thù của lễ hội Cúng biển Mỹ Long so với các lễ hội cùng dạng thức tại các tỉnh ven biển từ Trung bộ vào Nam.
Đầu tiên là lễ Tế Tiên hiền – Hậu hiền được tiến hành vào sáng sớm ngày 11 tháng Năm âm lịch. Tiên hiền – Hậu hiền là những bậc trên trước có công khai hoang lập làng, khai sáng nghề đóng đáy biển để con cháu có được làng nghề trù phú hôm nay, theo đúng đạo lý uống nước nhớ nguồn truyền thống của dân tộc.
Nghi thức Tế Tiên hiền – Hậu hiền vừa xong cũng là lúc thủy triều bắt đầu lên, khoảng 9 giờ sáng ngày 11 tháng Năm âm lịch, là lễ Nghinh ông – nghi thức chính của lễ hội Cúng biển. Trước khi Nghinh ông, đoàn rước gồm các vị chức việc, các bô lão hóa trang thành Quan Công, Châu Xương, Quan Bình cùng vị pháp sư và một số ngư dân có tuổi lên chiếc thuyền đánh cá có năng suất tốt nhất trong mùa đi biển vừa qua để ra khơi nghinh đức Ông về chứng giám. Chiếc thuyền cứ thế ra khơi, đến khi gặp đức Ông vọi ba vòi nước lên trời thì xem như đức Ông thuận. Ngày nay, nguồn lợi biển suy giảm, cá voi trở nên rất hiếm chẳng thể gặp trên biển nên người ta buộc phải gieo quẻ xin keo, khi keo thuận thì xem như đức Ông thuận. Đám rước làm lễ Tạ ơn rồi quay thuyền trở về, đưa linh vị đức Ông ngự trên án thờ bên cạnh án thờ Bà Chúa Xứ trong chánh điện ngôi miếu.
Buổi chiếu ngày 11 tháng Năm âm lịch, sau khi cung thỉnh đức Ông về, ban tổ chức tiến hành nghi thức Tế Thần nông. Tuy là làng chài, đại đa số bằng nghề đi biển nhưng truyền thống văn minh lúa nước cội nguồn vẫn chi phối đời sống tâm linh người dân thị trấn Mỹ Long. Tế Thần nông – vị thần cai quản mùa màng được tiến hành trọng thể, với các lễ thức như những ngôi làng thuần nông khác.
Buổi tối ngày 11 tháng Năm âm lịch là nghi thức Chánh tế Bà Chúa Xứ kèm theo các hoạt động bóng rỗi - địa nàng đặc trưng của lễ hội Vía bà diễn ra đến tận khuya.
Nghi thức Nghinh ngũ phương được tiến hành vào buổi sáng ngày 12 tháng Năm âm lịch. Từ trung tâm ngôi miều Bà Chúa Xứ, đoàn người hóa trang giống như khi Nghinh ông chiều hôm trước cùng đoàn lân, dàn nhạc và nhiều dân làng bổn hội hình thành đám rước qua các xóm dân cư vòng quanh thị trấn. Trên đường đi, đám rước sẽ nhận gạo muối, giấy tiền vàng bạc của người dân từ các bàn hương án cho vào bàn nghinh, hàm ý gom hết bao điều xui rủi, tai ương, dịch bệnh để làng xóm được bình an, sức khỏe dồi dào cho mùa đi biển mới.
Cuối cùng là nghi thức Tống quái diễn ra vào khoảng 9 giờ ngày 12 tháng Năm âm lịch. Nhiều lễ vật, trong đó phải có con heo trắng “toàn sinh toàn sắc” (kèm đủ lông, huyết, lòng) cùng hương đăng, trà rượu, hoa quả, gạo muối, vàng mã… có những hình nhân tài công, ngư phủ được đặt lên một chiếc thuyền nhỏ, trang trí rực rỡ. Đoàn người hóa trang giống như khi nghinh ông vây quanh chiếc thuyền nhỏ đặt trên chiếc xe kéo quanh thị trấn hình thành đám rước rất đông vui. Sau đó, chiếc thuyền nhỏ được chiếc tàu thực hiện nghi thức Nghinh ông hôm qua kéo ngược ra khơi, theo sau là hàng chục chiếc tàu thuyền và hàng trăm ngư dân hình thành đám rước nhộn nhịp trên biển. Ra đến vị trí đã nghinh ông hôm qua, chiếc thuyền chở lễ vật được cắt dây thả trôi trên biển.
Nghi thức Tống quái thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với đức Ông, đối với biển cả về một mùa đi biển đã qua và xua đuổi mọi xui rủi, tai ương và cầu cho mùa biển sắp tới mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, công việc đánh bắt hải sản gặp nhiều hanh thông, thuận lợi.
Lễ hội Đua Ghe Ngo tại Trà Vinh diễn ra thường niên vào ngày 14/10 âm lịch, trên dòng sông Long Bình. Lễ hội đua ghe Ngo sôi nổi diễn ra giữa tiếng nhạc Ngũ...
Xem tiếp